Để trở thành đại học hàng đầu
18/04/2013 03:25
Làm thế nào để một trường tư, thành lập chưa tới 30 năm nhưng lại nằm trong 100 trường ĐH hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (Anh) năm học 2012-2013?
Tầm nhìn
Có nhiều yếu tố giúp Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) vươn lên thành ĐH nghiên cứu hàng đầu thế giới dù “tuổi đời” còn khá trẻ. Trong đó, nổi bật nhất là tầm nhìn của một lãnh đạo kiệt xuất, nguồn tài chính dồi dào và các chính sách quản trị sáng tạo, thu hút nhân tài.
Hội thảo khoa học tại POSTECH năm 2012 – Ảnh: postechibb.homepcenter.co.kr |
POSTECH nằm ở Pohang, phía đông nam bán đảo Hàn Quốc, cách Seoul khoảng 360 km với dân số hơn 500.000 người. Ở Hàn Quốc, nơi mà các cơ sở giáo dục, văn hóa, xã hội từ lâu tập trung ở Seoul thì việc chọn Pohang – một thành phố nhỏ, cách xa trung tâm để xây dựng POSTECH là một sự mạo hiểm. Mạo hiểm hơn nữa, ở thời điểm đó (1986), đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu ở Hàn Quốc còn rất nghèo nàn và vì vậy, ý tưởng xây dựng mới một ĐH nghiên cứu là không thực tế.
Nhà đầu tư của POSTECH là Tập đoàn POSCO. Trong diễn văn khánh thành POSTECH, Tổng giám đốc của POSCO, Park Tae-joon nhấn mạnh tầm nhìn về POSTECH như là một ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế về khoa học và công nghệ trong tương lai. Ở thời điểm đó, ý tưởng xây dựng một đại học nghiên cứu đã gặp phải rất nhiều sự chống đối. Kinh phí vận hành của POSTECH tăng từ 15 triệu USD thời điểm năm 1987 lên xấp xỉ 300 triệu vào năm 2011 (trong đó 200 triệu dành cho nghiên cứu). Cũng ở thời điểm năm 2011, POSTECH có 1.422 sinh viên bậc đại học và 2.190 học viên sau đại học. Tính trung bình, chi phí đào tạo là hơn 70.000 USD/năm/sinh viên, trong khi đó mức học phí được quy định chiếm không quá 10% tổng doanh thu. Thực tế, các sinh viên được cấp học bổng trong suốt quá trình học tập nếu duy trì được thành tích học tập giỏi.
Môi trường tự do học thuật
POSTECH nhận được nguồn kinh phí hoạt động dồi dào từ Tập đoàn thép POSCO và chính phủ Hàn Quốc. Ở giai đoạn mới thành lập, POSCO đóng góp 80% kinh phí vận hành cho POSTECH, tuy nhiên phần đóng góp này liên tục giảm và chỉ còn 30% trong những năm gần đây. Ngược lại, nguồn kinh phí mà POSTECH nhận từ chính phủ Hàn Quốc ngày càng tăng. Hơn 30% kinh phí dành cho dự án nghiên cứu đến từ Bộ Giáo dục, khoa học và công nghệ Hàn Quốc. Hơn 200 triệu USD đã được chính phủ nước này đầu tư để biên soạn các chương trình đào tạo liên ngành mới ở bậc sau đại học, xây dựng và vận hành các phòng thí nghiệm, điển hình là phòng thí nghiệm gia tốc.
POSTECH thành lập theo mô hình của Viện Công nghệ California (CALTECH – Mỹ) với mong muốn trở thành một trường ĐH có quy mô nhỏ, chuyên về khoa học công nghệ. Ngay từ khi được thành lập, vấn đề tự chủ đại học đã được đảm bảo ở POSTECH. Trong 8 năm đầu tiên, quyền lãnh đạo POSTECH đã giao hoàn toàn cho tiến sĩ Hogil Kim – một nhà vật lý hạt nhân lừng danh thế giới. Trong khoảng thời gian đó, nền móng vững chắc về một trường ĐH nghiên cứu đã được hình thành. Cụ thể, POSTECH thu hút được một đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong đó 70% là những nhà khoa học nổi tiếng của Hàn Quốc đang làm việc ở nước ngoài. Những nhà khoa học này tình nguyện trở về đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Họ được POSTECH đảm bảo một môi trường tự do học thuật cùng các điều kiện vật chất khác bao gồm mức lương cao và được cấp căn hộ ở gần trường. Ở thời điểm đó, POSTECH cũng chủ động đến tất cả các trường THPT trọng điểm ở Hàn Quốc, tổ chức hội trại khoa học, giới thiệu chương trình đào tạo, chính sách học bổng… nhằm thu hút học sinh xuất sắc. Kết quả là POSTECH đã thu hút được nhóm 1% những học sinh ưu tú nhất đăng ký nhập học.
Kinh nghiệm của POSTECH hoàn toàn có thể được các ĐH chọn hướng nghiên cứu ở Việt Nam áp dụng để thành công.