Cần thiết cho mọi thí sinh

Gần 2 tháng, qua 17 tỉnh thành với những ngày tư vấn liên tục sáng – chiều, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2013 của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT đã kết thúc với một quyết tâm sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong lần thứ 15 vào năm tới.
Trong thời buổi các thí sinh chỉ cần lên mạng đã có thể tìm ra nhiều thông tin về tuyển sinh, cứ nghĩ rằng chương trình như Tư vấn mùa thi sẽ không hiệu quả và cần thiết cho thí sinh như mười mấy năm trước. Thế nhưng có đến những vùng sâu, vùng xa, những địa phương heo hút mới thấy những thông tin trực tiếp từ chương trình vẫn luôn cần thiết với học sinh (HS) và phụ huynh.

Vượt đường xa đến với học sinh

Nhận thức được sự tràn ngập thông tin tuyển sinh trên mạng, Ban tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi luôn đặt ra một tiêu chí: Phải đến với HS khu vực xa xôi, khó khăn. Vì vậy, ở mỗi tỉnh thành, ngoài một chương trình tư vấn cộng đồng có truyền hình trực tiếp để HS toàn tỉnh theo dõi, đoàn tư vấn luôn dành thời gian đến các trường THPT ở những xã, huyện khó khăn nhất để tư vấn lớp. Thực tế cho thấy, ở tất cả các trường này, HS luôn chờ đón đoàn tư vấn với niềm háo hức và mong đợi.

Phụ huynh cùng học sinh tham gia buổi tư vấn lớp tại Hậu Giang
Phụ huynh cùng học sinh tham gia buổi tư vấn lớp tại Hậu Giang – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đôi khi, HS nhiệt tình đến mức các chuyên gia cũng phải cảm động. Như tại Trường THPT Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), chương trình diễn ra vào ngày nghỉ nhưng giữa buổi trưa nắng, HS đã có mặt đầy đủ. Khi chương trình kết thúc, các em không muốn rời khỏi trường và cứ nấn ná với các chuyên gia tư vấn, tiếp tục hỏi thông tin. Hay tại Hậu Giang, HS còn thông tin cho phụ huynh đến ngồi ngay trong lớp để nghe chuyên gia tư vấn. HS các trường THPT Bác Ái, THPT Nguyễn Du, THPT Trường Chinh (H.Ninh Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận) đã vượt khoảng 70 km để đến tham dự cả ngày chương trình tư vấn diễn ra tại TP.Phan Rang.

Đặc biệt nhất là 2 HS tỉnh Quảng Nam là Trương Văn An và Nguyễn Chiêu Phúc (lớp 12 Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An). An và Phúc tranh thủ dậy thật sớm, ăn sáng để đi xe buýt đến tham dự chương trình. Tuy nhiên, vì chưa biết các địa điểm tư vấn cụ thể, hai em dừng chân tại thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn) để mua báo, xem tin rao được đăng ngày hôm đó. Sau đó, cả hai lại bắt xe buýt đến Trường THPT Tiểu La (huyện Thăng Bình) để tham dự tư vấn lớp tại đây cũng như sau đó di chuyển đến Trường CĐ Nghề Chu Lai Trường Hải tham dự tư vấn truyền hình trực tiếp. Tổng cộng, An và Phúc đã vượt hơn 100 km cả đi và về để tham dự chương trình. Sự nhiệt tình của hai em không chỉ khiến Ban tổ chức cảm động mà cả các chuyên gia cũng phải xuýt xoa.

Không kịp giải đáp thắc mắc

Tại các buổi tư vấn cộng đồng, ngoài hàng trăm câu hỏi trực tiếp, Ban tổ chức còn nhận được rất nhiều câu hỏi qua điện thoại. Phụ huynh, HS các huyện trong tỉnh gọi đến đặt câu hỏi đã đành, thắc mắc từ HS nhiều tỉnh thành khác chuyển đến cũng không ít. Khi chương trình diễn ra tại Lâm Đồng, chúng tôi nhận được những câu hỏi cả từ Nghệ An, còn ở Bình Định có câu hỏi của HS từ Đăk Lăk… Thậm chí, có phụ huynh còn hỏi trực tiếp là chương trình sắp tới có diễn ra tại tỉnh của mình không để đưa con em đến tham dự trực tiếp.

Năm nay, Ban tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi còn thiết kế thêm hình thức kết nối từ một trường THPT đến địa điểm diễn ra tư vấn cộng đồng. Điều này giúp những HS không có điều kiện đến tham dự buổi tư vấn truyền hình trực tiếp vẫn có thể tiếp xúc với ban tư vấn. Địa điểm kết nối với chương trình tư vấn cộng đồng ở tỉnh Bình Định là Trường THPT Tuy Phước 1. Khi chúng tôi đến đây, hơn 600 HS các trường THPT huyện Tuy Phước đã tập trung tại địa điểm này. Dù trời nắng gắt, HS vẫn ngồi chăm chú xem chương trình qua ti vi. Từ đây, hàng trăm câu hỏi được gửi đến chương trình. Hết thời gian tư vấn, HS còn bịn rịn và đề nghị ban tổ chức trả lời thắc mắc trên Báo Thanh Niên ra hằng ngày và trên website của báo.